Chắc hẳn những người sành cà phê, ai cũng từng nghe qua một lần về huyền thoại: cà phê chồn. Cà phê chồn (hay cà phê cứt chồn) là loại cà phê có mùi vị quyến rũ, vô cùng hấp dẫn, ít đắng hơn loại cà phê thông thường, lại có thêm hương vị đường thắng hay sôcôla. Chẳng mấy ai may mắn được uống thử loại cà phê chồn nguyên chất vì nó rất hiếm và rất đắt tiền.
Chi tiết tin
Chắc hẳn những người sành cà phê, ai cũng từng nghe qua một lần về huyền thoại: cà phê chồn. Cà phê chồn (hay cà phê cứt chồn) là loại cà phê có mùi vị quyến rũ, vô cùng hấp dẫn, ít đắng hơn loại cà phê thông thường, lại có thêm hương vị đường thắng hay sôcôla. Chẳng mấy ai may mắn được uống thử loại cà phê chồn nguyên chất vì nó rất hiếm và rất đắt tiền.
Cà phê chồn không chỉ có ở Việt Nam, mà nó còn là huyền thoại trên toàn thế giới. Ở quần đảo Nam Dương cà phê chồn được gọi là Kopi Luwak, Kopi Muncak, Kopi Muntjak, ở Philippines Kape Alamid, ở Đông Timor Kafé-laku. Người Ấn Độ ở Kerala gọi nó marapatti, người Tích Lan ugudawa hay kalawedda.
Ngày xưa khi còn hoang sơ, phần lớn những khu vườn trồng cà phê lớn ở Việt nam còn nằm bên cạnh những cánh rừng. Người và thú rừng thường sống gần nhau. Các loại thú nhỏ như sóc, nhím, chồn thường hay chạy nhảy trong những vườn cà phê này. Trong đó, các loài thú hoang thuộc giống ăn thịt như chồn rất thích gặm nhắm quả cà phê chín khi mùa vụ thu hoạch đến bởi vị ngọt của nó. Loài chồn leo từ cây cà phê này sang cây khác để tìm những quả cà phê chín vừa tới, là giai đoạn có nhiều chất ngọt nhất.
Chồn là loài thông minh khi chúng luôn chọn những quả cà phê đẹp, chín tới, không chọn loại vẫn còn vàng vàng, trái còn cứng, cũng không chọn loại chín mềm rục để ăn. Khác với các loài khác chỉ gặm nhắm rồi nhã hạt đi, chồn lại nuốt luôn cả hạt nhân còn dính cả lớp cùi .
Hạt cà phê sau khi vào bao tử chồn được kết hợp với một loại enzim nào đó, phần vỏ thịt của qủa được lên men làm chuyển hóa một số hóa tính trong hạt khiến cho chất lượng sau khi rang lên tỏa ngát một hương thơm kỳ lạ.

Loài chồn có một tập tính kỳ lạ là khi thải phân ra ngoài, bao giờ chúng cũng chỉ đến đúng một số điểm do nó đã chọn, không đi lung. Dần dần, những người nông dân đã để ý đến điều này.
Ban đầu, khi thấy những khoảnh cà phê dính từng chuỗi với nhau giống như phân thú vật những người nông dân cũng không biết lí do, nhưng vì tiếc lượng lớn cà phê vương vãi trong vườn, cho nên họ đã gom lại, đem phơi khô, giã ra bằng tay và nhận thấy từ vỏ lụa cho đến hạt nhân bên trong trong tình trạng được bảo vệ rất tốt, khi rang lên thấy thơm lạ thường và vị uống rất dịu, hơi ngọt về sau, đặc biệt nhất là sự hưng phấn, sảng khoái sau khi uống loại cà phê này, ngay cả với những người không thích hợp với cafein lắm cũng không thấy cảm giác hồi hộp như khi uống một tách cà phê bình thường.
Về sau này người ta mới biết thêm cà phê chồn có tác dụng như giữ lại và nâng cao các phẩm chất tốt đẹp của cà phê mà lại làm giảm nhẹ tối đa mức cafein có trong cà phê, ngay cả đối với loại cà phê nổi tiếng là có hàm lượng cafein rất cao như cà phê Robusta.
Tại Việt Nam, cà phê chồn có giá cao nhất là 64 triệu đồng, thấp nhất là 15 triệu đồng/kg. Loại “đúng đạt" bán tại cơ sở sản xuất là 20 triệu đồng/kg.
Trước đây loại cà phê này tuyệt nhiên không thấy bán trên thị trường, bởi số lượng quá ít mà lại quá thơm ngon, nên người dân thường nhặt lại, phơi khô để cho mình dùng, hoặc chỉ để biếu tặng những bạn bè rất thân thiết biết thưởng thức loại cà phê rất đặc biệt này.
Ngày nay, loài chồn bị săn bắt ngày càng nhiều, phạm vi sống của chúng bị thu hẹp,chồn hương trở nên càng quý hiếm. Trong khoảng thời gian gần 10-15 năm dường như không ai còn nhớ đến hay biết đến cà phê chồn, thậm chí một số giới trẻ sau này còn không tin vào một loại cà phê từng một thời nứt tiếng.

Gần đây, để bảo tồn loại cà phê huyền thoại đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần, một số người trồng cà phê đã nuôi những con chồn hương bắt được từ thiên nhiên và gầy giống. Theo bài học mà thiên nhiên đã từng dạy họ, ngày nay một số nông dân rất thành thạo trong việc kiểm soát việc sinh đẻ của chồn để tạo giống, chọn hái những loại cà phê đúng theo khẩu vị để cho chồn ăn khi mùa thu hoạch đến và bảo đảm thức ăn chủ yếu của chồn là các loại thịt cho trong suốt thời gian trong năm, bởi cà phê không phải là thức ăn chính của chồn.