BRAZIL
BRAZIL : Dẫn đầu sản lượng thế giới
Trong suốt hơn 150 năm qua, Brazil luôn là nước dẫn đầu về diện tích cũng như sản lượng trên bản đồ cà phê thế giới. Ngành cà phê dường như là đầu tàu mạnh mẽ cho nền kinh tế của quốc gia này khi cà phê nhân thô của Brazil chiếm khoảng 60% lượng giao dịch toàn cầu. Cho đến năm 2011, Brazil đã đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê xanh, cà phê Arabica và cà phê chế biến (cà phê hòa tan).
Cà phê Brazil
Theo Uncommon Grounds, cây cà phê đầu tiên được trồng ở Brazil vào năm 1727, do Francisco de Melo Palheta, ở bang Pará. Mục đích ban đầu khi trồng cà phê là để tiêu dùng nội địa. Mãi cho đến những năm của thế kỷ 19, nhận thấy nhu cầu về cà phê ở Mỹ và châu Âu tăng cao, Brazil bắt đầu chuyển hướng sang xuất khẩu mặt hàng này. Đến năm 1820, các đồn điền cà phê mắt đầu được xây dựng và mở rộng ở các vùng Rio de Janerio, Sao Paulo, và Minas Gerais, lúc này sản lượng cà phê từ Brazil đã chiếm đến 20% so với thế giới. Bằng một sự nỗ lực không ngừng khiến cho tốc độ phát triển của ngành này tăng đáng kinh ngạc, chỉ một thập kỷ sau đó, sản lượng cà phê của Brazil đã chiếm 30% sản lượng thế giới và là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này. Năm 1920, đất nước Brazil gần như độc quyền về ngành cà phê thế giới khi cung cấp 80% trong số tổng sản lượng giao dịch. Dù có chút suy giảm vào năm 1960 nhưng cà phê Brazil vẫn chiếm tận 60%, luôn giữ vững vị trí hàng đầu thế giới trong suốt 150 năm. Năm 2017, CafeImports đã có cuộc thống kê về ngành cà phê tại Brazil, kết quả cho thấy rằng: Khoảng 360.000 nông dân và công nhân tham gia hoạt động sản xuất cà phê tại các nông trại trong dài hạn với quy mô trung bình từ 0,5 ha đối với những nông trại nhỏ cho đến những đồn điền lớn hơn 10.000 ha. Hàng năm, sản lượng xuất khẩu cà phê từ Brazil tới thị trường quốc tế đạt 45-60 triệu bao (60 kg/bao), chủ yếu xuất phát từ 6 khu vực: Minas Gerais (1,22 Triệu ha); Espirito Santo (433.000 ha); Sao Paulo (216.000 ha); Bahia (171.000 ha); Rondonia (95.000 ha); cuối cùng là Parana (49.000 ha).
Hoạt động sản xuất cà phê tại Brazil
Tại Brazil, các giống cà phê phổ biến được lựa chọn để gieo trồng là Bourbon (chủ yếu là Bourbon vàng) Typica, Caturra, Catuai, Catimor, Maragogype được trồng tập trung tại khu vực Bahia, Espírito Santo, Minas Gerais (bao gồm Carmo de Minas, Cerrado Mineiro, và Sul de Minas), Nambuco, Paraná, San Janeiro, São Paulo. Ngoài ra, Brazil còn canh tác cả hai loại cà phê chính là Arabica và Robusta. Trong đó, giống cà phê Arabica đang chiếm ưu thế với khoảng 85% sản lượng và 25% còn lại là Robusta. Các cụm canh tác Arabica tập trung ở khu vực cà phê quốc gia và được dẫn đầu bởi Rio. Còn cà phê Robusta thì được trồng ở các bang nhỏ hơn như Espirito Santo (cung cấp cho 80% lượng robusta) và Rondonia – vùng màu cam ở phía Tây Bắc. Tuy nhiên, việc địa hình có độ cao tương đối thấp khiến cà phê Arabica từ Brazil bị giảm chất lượng, hiếm có chất lượng cao (thực tế giống Arabica sẽ thể hiện chất lượng tốt khi được trồng ở độ cao thích hợp) điều này có nghĩa là cà phê loại Arabica của Brazil sẽ không được đánh giá là sản phẩm cao cấp. Có nhiều phương pháp chế biến được sử dụng trong quá trình sản xuất cà phê nhưng hầu hết cà phê Brazil được sử dụng quy trình chế biến khô, một số ít được chế biến theo phương pháp truyền thống Pulpe – Một phương pháp tương tự như phương pháp chế biến bán ướt, tức là sau khi cà phê xát vỏ sẽ đem phơi khô với một phần chất nhầy còn lại.
Tiêu thụ nội địa
Ngay từ những ngày đầu lịch sự hình thành, cây cà phê của Brazil được trồng để tiêu dùng trong nước, sau đó mới bắt đầu xuất khẩu từ đầu thế kỷ 19 do nhận ra nhu cầu từ Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu tăng cao. Theo thống kê từ Hiệp hội Cà phê thế giới, Brazil chỉ đứng sau Mỹ về tổng sản lượng tiêu thụ nhưng lại là nước có lượng tiêu thụ nội địa cao nhất trong các nước sản xuất cà phê. Hiện nay sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa tại đất nước này vào khoảng 600.000 tấn cà phê, lượng tiêu thụ bình quân đầu người đạt tới 4,7 kg/năm. Cà phê dường như đã trở thành thức uống quen thuộc và thường nhật đối với hàng triệu người Brazil, có thể vì người dân thích uống hoặc do những chính sách vững mạnh của giới đầu ngành tại Brazil.
Một trong những điều thú vị khác mà ngành cà phê Brazil đem lại cho ngành cà phê thế giới là sự đóng góp đáng kể cho tính đa dạng sinh học của giống loài này. Nhiều giống cà phê Arabica bị đột biến do lai tạo hay bằng cách tự nhiên nào đó đã xuất hiện phổ biến ngoài biên giới Brazil, lan đến với các quốc gia Trung – Nam Mỹ rồi sau đó phổ biến toàn cầu. Ví dụ điển hình là cà phê Caturra - một loại đột biến lùn của giống cà phê Boubon do Viện Nông nghiệp Brazil (Agronomic Institute of Campinas – IAC) tiến hành nghiên cứu và lai tạo, hay giống cà phê Mundo Nouvo tại khu vực Trung Mỹ cũng xuất phát từ Brazil.