todo

KENYA

KENYA : Hương vị của sự độc đáo và khác biệt


Sau hành trình hơn 120 năm khởi đầu và phát triển, Kenya trở thành cái tên không thể nào bỏ qua trong thế giới cà phê.

Kenya có tên chính thức là Nước Cộng Hoà Kenya, là một quốc gia năm ở Đông Phi với diện tích khoảng 582.647 km2, trong đó 13.296 km2 là bề mặt nước biển. Nằm giáp với Ethinopia ở phía Bắc - cái nôi của cà phê thế giới và cùng đất cà phê Tanzania lừng danh ở phía Nam, Kenya cũng mang trong mình một dòng chảy lịch sử về văn hoá cà phê rất riêng, rất khác biệt.

Cà phê Kenya và một lịch sử đặc biệt

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Kenya nằm cạnh cái nôi của văn hoá cà phê thế giới - Ethiopia nhưng lại chỉ bắt đầu trồng cà phê từ khoảng 120 năm về trước. Mặc dù hoạt động giao thương giữa quốc gia này với các nước khu vực châu Phi và Trung Á đã bắt đầu từ rất lâu và diễn ra đều đặn, nhưng mãi tới những năm giữa thế kỷ 19, Kenya vẫn chưa được người phương Tây biết đến. Và bằng cách nào đó, khi những nhà truyền giáo người Đức di hành tới đây mang đi câu chuyện về miền đất với những dãy núi hùng vĩ và hồ nước chảy dài miên man tới đất trời châu Âu, họ mới bắt đầu tìm kiếm, khám phá và định cư tại đó. Cà phê đến được với Kenya cũng chính từ tháng năm ấy.

Vào những năm 1893, những nhà truyền giáo người Scotland mang hạt giống cà phê từ Aden, Yemen và ươm mầm chúng tại vùng đất Kibwezi, gần bờ biển Mombasa. Việc canh tác và chăm bón được mở rộng tới Nairobi vào năm 1900, và cho tới năm 1912, diện tích trồng cà phê đã mở rộng đến hàng trăm mẫu. Kenya sau đó đã trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1920, trong thời gian này, người Anh đã nghiên cứu xây dựng hệ thống sản xuất và quảng bá cà phê vùng Kenya. Năm 1963, Kenya dành được độc lập, tiếp tục cải thiện điều kiện và hệ thống cơ sở vật chất phát triển ngành cà phê. Kết quả là ngày nay cà phê Kenya trở thành một trong những loại cà phê ngon nhất thế giới.

Hương vị là độc nhất

Cà phê Kenya nổi tiếng bởi hương vị phong phú và đầy đặn, cân bằng và đa dạng, đâu đó người ta có thể tìm thấy hương vị ngọt ngào gợi nhớ đến rượu trái cây và các loại gia vị ngay trong chính ly cả phê của mình. Hầu hết, cà phê Kenya được trồng ở những nơi có độ cao trung bình từ 1.500 tới 2.100 m so với mực nước biển, có nền đất núi lửa nhiều khoáng chất. Các vùng trồng nhiều cà phê nhất là Nyeri, Murang’a, Kirinyaga, Embu và Meru – là các vùng ở phía đông bắc tỉnh Nairobi, gần đỉnh Kenya; ở các tỉnh phía Đông Kisii, Nyanza, Bungoma và Kakamega và Nakaru, Trans Nzoia, Kericho, Kajiado - các tỉnh trong thung lũng Great Rift.

Cà phê đến từ Kenya chủ yếu là Arabica, đặc biệt là giống lai Bourbon SL 28 và SL 34. Chúng được phòng nghiên cứu của Scotland phát triển vào thập niên 1950. Tới những năm 1990, giống Ruiru 11 với khả năng kháng bệnh cao đã được phát triển và trồng thử nghiệm trên một diện tích nhỏ. Phần lớn những cà phê chất lượng cao nhất của Kenya được trồng từ các hộ dân nhỏ với diện tích trồng chỉ từ 0,25 - 3 mẫu. Sau đó, để có đủ sản lượng thương mại, các nông hộ nhỏ này đã kết hợp lại với nhau để xây dựng lên các tổ hợp sản xuất. Hiệp Hội Cà Phê Chất Lượng Cao Đông Phi (The Eastern African Fine Coffee Association – EAFCA) ước tính có khoảng hơn 700.000 nông hộ nhỏ, 500 tổ hợp sản xuất với khoảng 320 đơn vị sản xuất lớn và 3.500 đơn vị sản xuất vừa, diện tích từ 50 - 100 mẫu, thường thì các đơn vị này đều có khu vực sơ chế riêng. Các nông hộ nhỏ chiếm 58% sản lượng và 75% diện tích trồng.

Sức căng từ sàn đấu giá

Giống như cà phê từ Tanzania, cà phê ở Kenya cũng chủ yếu chế biến ướt, sau đó đem hạt đi phơi nắng rồi chuyển tới các nhà máy chế biến để phân loại chất lượng hạt. Cà phê đã được kiểm tra và chấm điểm có thể được bán đấu giá tại các sàn được tổ chức hàng tuần bắt đầu từ năm 1935 bởi chính phủ ở Nairobi. Để chuẩn bị cho buổi đấu giá, các nhà xuất khẩu sẽ gửi mẫu các lô hàng của họ đến các nhà thương mại quốc tế, sau đó là quá trình đấu giá. Hệ thống đấu giá này đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì tính minh bạch và công bằng của nó. Nhưng trong thời gian gần đây, các nhà xuất khẩu đã gặp phải một vài trường hợp không thanh toán hoặc chậm thanh toán sau khi hàng đã được đấu giá xong.

Vào năm 2006, chính phủ Kenya hợp thức hoá luật thương mại trực tiếp cho phép các nông hộ có thể bán hàng trực tiếp cho người mua mà không cần phải thông qua sàn đấu giá. Luật này còn được gọi là “Cửa sổ thứ 2” (second window) giúp cho các nông hộ có cơ hội tiếp cận với thị trường, các công ty thương mại lớn sẽ có thêm động lực và cơ hội để đầu tư vào dịch vụ và hỗ trợ nông dân. Dù vậy, khoảng 90 – 95% lượng cà phê được bán ở Kenya vẫn thông qua hình thức đấu giá.

Thách thức cho cà phê Kenya

Trong giai đoạn thúc đẩy ngành cà phê phát triển, Kenya phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Việc đầu tiên họ phải giải quyết chính là vấn đề đảm bảo lợi nhuận cho các nông hộ trong dài hạn khi có đến 70% diện tích trồng cà phê của Kenya chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lượng mưa, làm giảm lợi nhuận canh tác, thay vào đó là chi phí chăm sóc, phân bón và nhân công lại tăng cao.

Thách thức thứ hai liên quan nhiều hơn đến tính kế thừa, khi tuổi thọ trung bình của người Kenya là 58 tuổi nhưng tuổi thọ trung bình của người trồng cà phê theo thống kê chỉ là 55 tuổi. Luật kế thừa lúc này yêu cầu các nông hộ phải phân chia đất cho các thế hệ con cháu, điều này càng khiến cho diện tích canh tác ngày càng nhỏ hơn, khi đó việc đảm bảo lợi nhuận cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng truy xuất nguồn gốc cũng đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của cafe Kenya. Quả thật rất khó cho người tiêu dùng để biết chính xác nguồn gốc sản phẩm khi hơn 90% hộ nông chọn phương thức bán cà phê thông qua sàn đấu giá. Chỉ những sản phẩm có chất lượng cao nhất tại sàn có dán nhãn chung "AA" mới thường được quan tâm nhiều nhất.

Năm 1999, khi BD Imports bắt đầu thu mua cà phê Kenya, phần lớn người mua không hề biết tới các nhà sản xuất ở đất nước này. “Các nhà nhập khẩu đã tự dán nhãn thương hiệu của họ lên cà phê” ông John hồi tưởng. Trong thị trường hiện nay, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể bỏ qua khâu đấu giá mà thay vào đó là thương mại trực tiếp, việc này giúp cho tên của các vùng trồng hay hợp tác xã trồng cà phê trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, nông hộ tại Kenya vẫn chọn sàn đấu giá làm phương thức chính cho hoạt động mua bán của mình.

Trong thị trường đang ngày một phát triển, một trong những phương thức để giữ được chỗ đứng cho sản phẩm chính là những chứng nhận về đảm bảo an toàn, chất lượng và uy tín. Phần lớn cà phê trồng tại các nông trường lớn không được che bóng nên dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải sử dụng thuốc nông nghiệp. Còn các hộ nông nhỏ thì không đủ kinh phí đầu tư nông dược nên sản phẩm của họ thường được trộn với sản phẩm từ các nông trường lớn. Thêm vào đó, kinh phí để được cấp giấy chứng nhận đối với sản phẩm khá cao nên các nông hộ nhỏ dường như không đủ điều kiện để đầu tư.

Dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để cà phê Kenya được mở rộng và phát triển. Ở thời điểm hiện tại, cà phê Kenya đã có một chỗ đứng vững chắc và được người dùng tin tưởng trên thị trường quốc tế. Không chỉ thế, tại Kenya, những ý tưởng mới mẻ, ấp ủ để chuẩn bị cho sự phát triển của một ngành cà phê lớn mạnh đang lan truyền khắp cả ngành.