todo

PHỦ QUỲ - NGHỆ AN

Lang thang nhấp nháp ly cà phê ở Thị xã Thái Hoà, tôi ngẫm nghĩ hoá ra mình đang uống cà phê ở đất cà phê có tiếng nhưng rút cục không phải là cà phê của vùng đất này. Dọc con phố Lý Thường Kiệt của Tx Thái Hoà dễ chừng có vài chục quán cà phê lớn nhỏ dăng đầy biển hiệu Trung Nguyên hay Mê Trang nhưng tuyệt nhiên không có lấy một dòng chữ Phủ Quỳ. Trong khi rất nhiều người không biết rằng thương hiệu cà phê Phủ Quỳ đã từng xuất hiện cách đây ngót nghét một thế kỷ thậm chí về hương vị được người Pháp sánh ngang với cà phê Brazil lúc bấy giờ.

Theo tài liệu của Yver Henry nguyên là Tổng thanh tra nông nghiệp thuộc địa, Viện sĩ Viện nông nghiệp Pháp thì cây cà phê đã được các nhà truyền đạo thiên chúa đưa vào trồng thử ở nước ta từ năm 1877 tại Quảng Bình và Quảng Trị. Ở Nghệ An, các đồn điền được lập ra đầu tiên tại Phủ Quỳ như Cát mộng, Trạm Lụi, Tiên sinh, Nai sinh Bà Triệu... Cây cà phê ở Phủ Quỳ được người Pháp chú ý trồng và khai thác rất sớm từ năm 1913, thậm chí còn trước cả vùng đất đỏ Tây Nguyên (1920-1925). Sản lượng cà phê của các đồn điền ở đây chủ yếu xuất sang Pháp dưới nhãn hiệu "Arabica du Tonkin" và chất lượng được đánh giá là tương đương với cà phê của Braxin, Colombia và chỉ dành để đấu trộn với các loại cà phê khác.

Ban đầu ở Phủ Quỳ được người Pháp trồng rất nhiều giống cà phê như cà phê vối, cà phê mít nhưng do không thích ứng được với đặc điểm sinh thái, khí hậu của vùng nên dần lụi tàn, bị loại khỏi danh mục cây trồng chủ đạo. Trong một thời gian dài, cà phê lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhiều vườn cà phê kém phát triển, năng suất thấp do điều kiện chăm sóc, thâm canh chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho cây trồng. Đã có lúc, nhiều người hoài nghi về khả năng phát triển cây cà phê trên vùng đất này. Đến khi đưa giống cà phê chè vào trồng thử thì cho chất lượng quả thơm ngon, được nhiều nước trên thế giới thừa nhận và ưa chuộng. Đặc trưng của hạt cà phê chè (sau chế biến) là không có vị đắng gắt như hạt cà phê mít, không có hậu chua như cà phê vối. Vị đắng của hạt cà phê chè vừa kích thích, vừa êm, đặc biệt hương thơm vô cùng quyến rũ. Cây cà phê chè được trồng ở nhiều địa phương như Lâm Đồng, Đắc Lắc, Quảng Trị nhưng về hương vị thì không như ở Phủ Quỳ. Phải chăng, ngoài điều kiện đất đai (đất đỏ bazan) thì đặc điểm khí hậu, thời tiết riêng biệt của vùng núi miền tây bắc Nghệ An đã làm nên điều khác biệt này (?) Cây cà phê chè đơm hoa trong mùa xuân mát mẻ, nuôi quả trong điều kiện nhiệt độ cao, ánh sáng mạnh của mùa hè, và khi quả của nó đã ổn định lại đi qua mùa mát dịu và chớm lạnh (cuối thu – đầu đông) đã tạo cho cây tích luỹ hương thơm vào hạt và trở thành hương vị riêng. Điều này là cơ sở để cây cà phê chè ở vùng tây bắc xứ Nghệ tạo nên thương hiệu cho mình.

Theo các tài liệu người Pháp, chủng cà phê ở Phủ Quỳ có liên quan đến nơi xuất xứ, đó là đảo Reunion, còn được gọi là đảo Bombon. Người Pháp không những mở các đồn điền trồng cà phê mà còn xây dựng một cơ sở nghiên cứu mang tên "Station de cao trai" (bây giờ thuộc Công ty chế biến nông sản Thái Hoà).

Đền thời kỳ từ thập kỷ 60 đến những năm 80 vùng cà phê Phủ Quỳ bắt đầu một sự thay đổi mạnh mẽ từ quy mô sản xuất, giống, phương thức chăm sóc của các nông trường quốc doanh khiến cà phê Phủ Quỳ trở thành mặt hàng xuất khấu sang các nước xã hội chủ nghĩa. Các chuyên gia Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức cũ và cả Cu Ba... làm việc ở đây rất ưa chuộng cà phê Phủ Quỳ. Nhiều người trong họ đã quen uống cà phê đen không đường chỉ để tận hưởng cái hương vị nguyên sơ đọng lại nơi đầu lưỡi của cà phê Phủ Quỳ. Lớp người đứng tuổi, nhất là những người sành uống cà phê vẫn không quên "cà phê Đông" ở thị trấn Thái Hoà những năm chống Mỹ, thời ấy đâu đã có giống mới như bây giờ.

Đến hôm nay, Phủ Quỳ vẫn là vùng chuyên canh cây cà phê của xứ Nghệ với hơn 2.000 ha, sản lượng đạt bình quân đạt 2.500 tấn cà phê nhân mỗi năm thế nhưng bao năm qua vẫn chưa thể tìm cho mình một thương hiệu.

Với cà phê, sự thành công của một thương hiệu trên thương trường ngoài chất lượng của cà phê chính là nhờ công nghệ chế biến, thực tế của cà phê Trung Nguyên là một chứng minh.

Vào những năm 90, ở huyện Nghĩa Nghĩa Đàn có rất nhiều xưởng chế biến cà phê tư nhân và có hẳn một Công ty chế biến nông sản Nghĩa Đàn chuyên chế biến cà phê ra thị trường. Nhưng khi thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện các xưởng chế biến cà phê ở Nghĩa Đàn bắt đầu gặp nhiều khó khăn vì không thể cạnh tranh nổi nên lần lượt giải thể và bắt đầu quay sang làm đại lý thu gom cà phê nhân. Từ đây cà phê Phủ Quỳ bắt đầu chuyển vào Nam ra Bắc nhưng chủ yếu là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Chị Nghĩa Thị Hoà – chủ đại lý thu gom ca phê nhân ở Phường Quang Tiến (TX Thái Hoà) cho biết: “ Hầu hết cà phê nhân ở Phủ Quỳ được đưa vào miền nam để chế biến rồi đóng gói và bán ra thị trường mang tên thương hiệu khác. Biết là như vậy nhưng mình không có kỹ thuật chế biến và sự quảng bá nên cũng đành chịu”.

Ở thị xã Thái Hoà hiện đang có Công ty chế biến nông sản Thái Hoà sản xuất cà phê hoà tan mang tên Con Ó nhưng cũng chỉ sản xuất cầm chừng vì không thể cạnh tranh với Vinacaphe hay G7 của Trung Nguyên…

Ông Đinh Văn Thị, Phó chủ tịch UBND thị xã Thái Hoà cho biết: “ Hiện nay, Thái Hoà đã có những dự án khôi phục và phát triển các giống cây đặc sản nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam trên thị trường như giống cà phê, mía, cam, dưa hấu, cao su ... Công ty giống cây trồng Phủ Quỳ đã nghiên cứu, chọn lọc thuần chủng một số giống quý trong kho tàng quỹ gen cà phê còn lưu giử nhằm tạo nên mũi nhọn chất lượng bên cạnh khối lượng sản phẩm chủ lực là cà phê Catimon Phủ Quỳ. Hiện tại Thái Hoà đang cần sự hỗ trợ của tỉnh và các nhà đầu tư trong việc xây dựng nhà máy chế biến cà phê những như việc xúc tiến quảng bá thương hiệu”.

Và bây giờ, khi lớp trẻ mỗi ngày rủ nhau đi uống cà phê Trung Nguyên thì nhiều người trồng cà phê ở đây vẫn cứ ao ước một ngày, Phủ Quỳ có thể quảng bá ra thị trường một thứ sản phẩm mang tên “Bourbon Phủ Quỳ, Arabica Phủ Quỳ" hay một cái tên nào đó cho thương hiệu của mình.